Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

Tìm ánh sáng từ tri thức

Hội viên Hội người mù huyện Sóc Sơn, Hà Nội học chữ nổi. Ảnh: gdtd.Vn

Xóa bỏ mặc cảm

Xác định việc bồi dưỡng kiến thức, nâng cao dân trí vì sự tiến bộ của người khiếm thị là trách nhiệm chung của toàn xã hội, trong đó tổ chức Hội người mù đóng vai trò quan trọng; ông Nguyễn Xuân Quyết - Chủ tịch Hội người mù huyện Sóc Sơn cho biết:Do khó khăn của khuyết tật, người khiếm thị gặp rất nhiều rào cản khi tiếp cận với giáo dục, dạy nghề. Trong khi đó các cơ sở chuyên biệt rất thiếu, phương tiện, thiết bị, dụng cụ học tập của người mù hạn chế.

Thấu hiểu tình trạng đó, huyện hội đã tích cực tìm kiếm các giải pháp để động viên cán bộ hội viên tích cực học tập, tìm hiểu thông qua tài liệu, sách báo chữ nổi, sách nói, học cách sử dụng các phương tiện điện tử gia đình, tự nâng cao hiểu biết cho bản thân”.

Nhằm giúp đỡ những người hỏng mắt muộn do tai nạn hoặc các bệnh tật khác, hàng năm huyện Hội mở từ 1 đến 2 lớp xóa mù chữ nổi, giới thiệu anh chị em tham gia các lớp tập huấn về công tác Hội, phục hồi và nâng cao kỹ năng làm việc, sử dụng máy vi tính.

Nhờ đó, nhiều người đã xóa bỏ mặc cảm, phát huy khả năng sẵn có, tích cực tham gia sinh hoạt Hội và lấy lại thăng bằng trong cuộc sống.

Để khuyến khích hội viên tiếp tục nâng cao trình độ văn hóa, Huyện hội luôn quan tâm động viên hỗ trợ người khiếm thị đăng kí theo học tại hệ thống giáo dục thường xuyên của Thành phố như Trường Nguyễn Đình Chiểu, Trường Nguyễn Văn Tố (Hà Nội).

Hiện nay, huyện Hội có 22 hội viên theo học các bậc phổ thông, 4 người học tại Viện Đại học Mở, trên 30 anh chị em đã hoàn thành các chương trình học tập khác nhau.

Hội viên Hội người mù huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã tiếp cận với công nghệ thông tin. Ảnh: gdtd.Vn

Tiếp cận công nghệ

Hưởng ứng phong trào học và sử dụng máy tính trong những năm gần đây của Thành hội Hà Nội, Hội người mù huyện Sóc Sơn cũng thường xuyên tạo điều kiện để người khiếm thị tiếp cận với công nghệ này.

Đã có hơn 30% hội viên trẻ có thể sử dụng được máy tính phục vụ công tác, học tập và tìm hiểu kiến thức qua mạng internet. Hội đã vận động các cơ quan doanh nghiệp, các xã tài trợ 6 máy tính mới trị giá từ 7 đến 9 triệu đồng 1 máy hỗ trợ cho cán bộ, hội viên phục vụ cho công tác và học tập.

Với mục tiêu là đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, mỗi năm, huyện Hội in, sao hàng chục đĩa CD, băng catsets, hàng nghìn trang sách chữ nổi bổ sung vào tủ sách của đơn vị (hiện nay tủ sách đã có trên 80 đầu truyện và hơn 500 đĩa CD, băng cátsét các loại đáp ứng nhu cầu nghe đọc của hội viên).

Mỗi đơn vị còn phối hợp chặt chẽ với Thư viện Hà Nội, Tạp chí Đời mới, Tạp chí Tri thức - Đời sống để nhận và luân chuyển các báo chữ nổi, sách nói đến tận tay những hội viên có nhu cầu.

Không thụ động tiếp nhận thông tin từ môi trường xung quanh, hội còn khuyến khích, động viên cán bộ hội viên mạnh dạn viết tin bài gửi đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm tuyên truyền về tổ chức hội và những tấm gương của cán bộ, hội viên phấn đấu vươn lên trong học tập và trong cuộc sống của người khiếm thị, góp phần từng bước thay đổi nhận thức của cộng đồng về người khuyết tật.

Bằng nhiều giải pháp thích hợp, Hội người mù huyện Sóc Sơn quyết tâm xây dựng phong tràoTiếp cận công nghệ tin họctrong đông đảo cán bộ hội viên, nhất là hội viên trẻ. Vận động các nguồn ủng hộ từ 8-10 máy vi tính tạo điều kiện để người khiếm thị có thể ứng dụng rộng rãi vào công tác, học tập và đời sống, đem lại niềm tin cho người khiếm thị và người mù.

"Từ khi tham gia theo học các lớp học chữ, học văn hóa đã giúp cho tôi có thêm nghị lực và niềm tin vào cuộc sống".

Anh Nguyễn Văn Thắng (xã Nam Sơn).

“Thông qua lớp học chữ nổi, chúng em đã được tiếp cận với những kiến thức xã hội. Biết được chữ và có kiến thức đã giúp chúng em cảm thấy tự tin hơn hòa nhập cộng đồng”.

Em Na Thị Mai (xã Tân Hưng),

Thái Hải


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét